Theo Hội đồng chấm Giải, các tác phẩm dự Giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mặt khác của đời sống đất nước trong năm 2023. Những tác phẩm đạt giải cao đem lại những góc nhìn chân thực và sống động, chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt qua các tác phẩm đã thể hiện rõ sự dấn thân của các nhà báo.

Năm nay, nhiều tác phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam được Hội đồng chấm giải đánh giá xuất sắc như tác phẩm "Trở về" của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa (Ban thời sự VOV1); Loạt 3 bài “Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số bị nhốt trong kho bạc” của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu, Nguyễn Long Phi (Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Đài TNVN) hay Loạt bài “Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy sợ sai: Ai không làm hãy đứng sang một bên” của tác giả Phan Thanh Hà (Cơ quan thường trú miền Trung , Đài TNVN).

Nhà báo Trịnh Đình Thiệu cùng đồng nghiệp nhiều lần đến vùng đồng bào để tìm hiểu, phản ánh những vấn đề của đồng bào dân tộc

Nhà báo Trịnh Đình Thiệu, đồng tác giả trong loạt 3 bài “Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số bị nhốt trong kho bạc” cho biết: Tại huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ đồng bào nghèo nằm trong vùng dự án được hỗ trợ tiền để xây nhà ở, nhiều gia đình vay tiền làm nhà trước, chờ hỗ trợ tiền sau nhưng khi làm xong nhà, bà con lại ôm nợ vì không nhận được tiền hỗ trợ. Từ thực tế đó, anh cùng đồng nghiệp nhiều lần đi đến tận vùng đồng bào để tìm hiểu, gặp gỡ chính quyền địa phương để có giải pháp cụ thể.

"Để có đầy đủ tư liệu, chúng tôi phải đi đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Đồng bào dân tộc thiểu số thường lên rẫy rất sớm, đến chiều tối mới về nhà. Để gặp được bà con, phóng viên phải nhờ cán bộ địa phương hẹn trước để bà con ở nhà, còn nếu không phải ở lại qua đêm trong bản, làng chờ bà con về để gặp. chúng tôi dành hơn 1 tháng để đi thực tế nhiều lần, nhiều nơi, gặp, làm việc với nhiều đồng bào nghèo và đại diện các cơ quan ban ngành và chính quyền các địa phương ở miền Trung", nhà báo Trịnh Đình Thiệu cho hay.

Có thể thấy, để có những tác phẩm hay, mang lại những góc nhìn chân thực của cuộc sống tới khán thính giả và độc giả, đòi hỏi các nhà báo phải dấn thân, luôn sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn, thậm chí thâm nhập những nơi nguy hiểm để phản ánh được đúng và trúng những vấn đề gai góc của xã hội.

Một trong những nội dung mà nhiều tác phẩm đạt giải Báo chí quốc gia năm nay đề cập tới đó là về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các vấn đề xã hội “nóng” của xã hội để từ đó định hướng dư luận như tác phẩm “Giữ vững ổn định chính trị, không để bị động bất ngờ” của Ban biên tập Truyền hình Nhân dân.

Nhà báo Phan Liên, đại diện nhóm tác giả tác phẩm này cho biết ngày 11/6/2023, trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra vụ khủng bố chống chính quyền gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 11 người thương vong. Đây không phải là lần đầu tiên ở Tây Nguyên xảy ra hoạt động khủng bố, gây rối ở “điểm nóng” và kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết vi phạm pháp luật, hòng gây bất ổn chính trị.

Nhà báo Phan Liên - Truyền hình Nhân dân

Xác định đây là vụ việc quan trọng rất “nhạy cảm”, Ban biên tập Truyền hình Nhân dân đã khẩn trương xây dựng chương trình luận đàm để kịp thời định hướng dư luận. Nhà báo Phan Liên bày tỏ để đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, chống phá nhà nước không chỉ là các tin phản ánh thông thường, mà rất cần các bài phân tích, bình luận sâu trên các cơ quan báo chí chính thống nhanh nhất. Đây là động lực để nhóm tác giải quyết tâm thực hiện sớm tác phẩm này.

"Chúng tôi đã cố gắng để trong một thời gian gấp gáp, tác phẩm vừa nhanh nhưng cũng vừa sâu, vừa gần gũi, tự nhiên, vừa giàu sức thuyết phục. Từ tác phẩm rút ra bài học sâu sắc là phải giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; xây dựng được đội ngũ già làng tiêu biểu, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là phải biết tiếng dân tộc, phải hiểu được tập quán, phải sinh hoạt cùng bà con, trở thành “người thân” của bà con", nhà báo Phan Liên chia sẻ.

Không chỉ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, mảng đề tài về lĩnh vực văn hóa cũng được các nhà báo dành khá nhiều sự quan tâm, đặc biệt sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Xác định, đây là một chủ trương lớn xuyên suốt trong các kỳ Đại hội và được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội 13 của Đảng, nhóm tác giả Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển khai thực hiện loạt bài về chủ đề “Câu chuyện chấn hưng văn hóa”.

Nhà báo Bùi Thị Kim Thoa, đại diện nhóm tác giả cho biết tác phẩm đã đưa ra các quan điểm, giải pháp về phát triển và chấn hưng văn hóa, trong đó nhấn mạnh vào những giải pháp trọng tâm, then chốt, cấp bách cần thực hiện ngay để văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Nhóm tác giả Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển khai thực hiện loạt bài về chủ đề “Câu chuyện chấn hưng văn hóa”

"Trong loạt bài “Câu chuyện chấn hưng văn hóa”, chúng tôi muốn truyền tải đến đọc giả cả nước rất nhiều thông điệp. Đó không chỉ là nội dung bao quát, sâu sắc về con đường chấn hưng văn hóa mà quan trọng chúng tôi muốn khẳng định: Để chấn hưng văn hóa thật sự hiệu quả chứ không chỉ là những ý tưởng đẹp đẽ trên giấy, khẩu hiệu suông hay câu chuyện của phong trào... mà là những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả thấm sâu vào đời sống như "cơm ăn, nước uống hằng ngày”, nhà báo Bùi Thị Kim Thoa nói.

Đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam cho thấy, năm nay các tác phẩm tham dự giải Báo chí quốc gia được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia khẳng định: "Qua mỗi kỳ tổ chức giải báo chí quốc gia, điều chúng tôi đáng mừng nhất đó là khoảng cách giữa báo chí Trung ương và địa phương dần thu hẹp. Chúng ta đã thấy có những giải A thuộc về báo chí địa phương hoặc cơ quan báo chí nhỏ, chứ không phải là cơ quan báo chí lớn. Một điểm nữa là chất lượng các tác phẩm dự thi tương đối đồng đều hơn. Điều này có nghĩa là chất lượng của các tờ báo đã đồng đều hơn. Điểm sáng nữa là cơ quan báo chí địa phương bây giờ đầu tư vào báo điện tử một cách bài bản hơn. Họ đã biết tạo ra những sản phẩm chất lượng dưới dạng Megastory, Longform không thua kém gì với những cơ quan báo chí có kinh nghiệm về Digital. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương cũng có thể làm những phóng sự chất lượng rất cao".

Mỗi kỳ Báo chí Quốc gia là cơ hội để mỗi Nhà báo được hỏi học thêm thật nhiều từ các đồng nghiệp, từ việc phát hiện vấn đề, cách tiếp cận, hình thức thể hiện các tác phẩm báo chí, không ngoài mục đích để có thêm thật nhiều những bài báo thật hay, thật chất lượng, nói đúng và trúng những vấn đề đang nảy sinh trong cuộc sống để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của khán, thính giả và độc giả cả nước, đóng góp chung vào công cuộc dựng xây đất nước. Những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động tới đời sống xã hội, được cộng đồng ghi nhận sẽ là những động lực để các phóng viên, nhà báo tiếp tục đam mê, trách nhiệm với nghề, tiếp tục dấn thân vượt qua những thử thách trong công việc để mang sự thật tới với người dân.